icon icon icon

Giờ làm việc: Cả ngày (Cả thứ 7 và Chủ Nhật)

Đường dây nóng: 0965061717

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ngừng tim 40 phút

11h 30 phút ngày chủ nhật 10/3/2024, tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, các điều dưỡng bác sĩ đang thay phiên nhau ăn cơm trực. Bỗng một điều dưỡng vội vã chạy vào:

-Cấp cứu, có bệnh nhân nặng vừa mới chuyển vào.

Tất cả cùng quay phắt nhìn lên chị điều dưỡng, rồi buông bát đũa, đứng vụt dậy, lao nhanh ra phòng cấp cứu. Bs Lữ Thanh Tùng( Phó Trưởng khoa Cấp cứu) chỉ đạo giọng dứt khoát: Đo huyết áp, làm điện tim. Bệnh nhân đau ngực dữ dội, vã mồ hôi, khả năng bệnh nhân nhồi máu cơ tim tối cấp.

 Chỉ sau 4 phút nhập viện, bệnh nhân NTL , 61 tuổi ở Thanh Sơn, Kim Bảng Hà Nam đột ngột diễn biến xấu,ngừng tuần hoàn, đồng tử dãn.Người nhà bệnh nhân hốt hoảng lo lắng.Cả kíp trực hối hả, ai vào việc nấy,người hì hục ép tim,người bóp bóng, người sốc điện, người giải thích cho người nhà bệnh nhân tiên lượng xấu... Mặc dù trời lạnh, cả ê kíp mồ hôi vã ra như tắm, có bác sĩ trong cuộc chiến sinh tử, đã quên cả nội quy, cởi phăng áo blouse, thay nhau ép tim cho bệnh nhân.

Sau 40 phút nỗ lực và quyết tâm giành lại sự sống cho bệnh nhân, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại. Kíp trực đã hội chẩn với các chuyên gia tim mạch của Khoa tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lập tức, bệnh nhân đã được chuyển tới Trung tâm can thiệp tim mạch của bệnh viện, đặt 1 stend và chuyển lại khoa cấp cứu điều trị, hồi sức. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, rút nội khí quản, dừng các thuốc trợ tim. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, không đau ngực, không khó thở và chuẩn bị được xuất viện

Ca cấp cứu này là một kỳ tích đối với bệnh nhân và cả ê kíp bác sĩ. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “ Thông thường ép tim 30 phút mà quả tim  không đập trở lại thì khả năng tử vong  gần như đến 99%. Bởi với những bệnh nhân bị ngừng tuân hoàn cứ 1 phút trôi qua mà không được cấp cứu đúng cách thì cơ hội sống sót giảm đi 10%. Ngay cả với việc được cấp cứu đúng cách, thì cứ mỗi phút trôi qua tuần hoàn không được tái lập thì cơ hội sống cũng giảm đi 4%”

 Với ca bệnh này, tuần hoàn được khôi phục sau 40 phút cấp cứu liên tục cũng là ít gặp. Xin chúc mừng bệnh nhân, xin chúc mừng và cảm ơn nỗ lực và quyết tâm của các y Bs Khoa Cấp cứu: Bs Lữ Thanh Tùng, Bs Vũ Thị Thanh, Bs Bùi Ngọc Hải, các điều dưỡng: Đào Mạnh Hải, Nguyễn Đức Trường, Dương Văn Huynh.Cảm ơn sự phối hợp rất kịp thời và hiệu quả của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn( Trưởng khoa Tim mạch) và các cộng sự.