icon icon icon

Giờ làm việc: Cả ngày (Cả thứ 7 và Chủ Nhật)

Đường dây nóng: 0965061717

Ông Nguyễn Văn P. 73 tuổi ở thôn 4, xã Bình Nghĩa huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam bị cây đổ vào người được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam trong tình trạng: sốc đa chấn thương, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, hội chẩn chỉ định mổ cấp cứu, khâu ruột non, lau rửa ổ bụng. Tuy nhiên sau mổ, huyết động bệnh nhân không ổn định, tình trạng nhiễm khuẩn ổ bụng trầm trọng, toan chuyển hóa rất nặng. Người bệnh được chỉ định: Hồi sức tích cực chuyên sâu: thở máy, lọc máu liên tục...Sau 1 tháng ròng rã chiến đấu với tử thần, nhiều thời điểm tưởng như đã thất bại, nhiều khó khăn xảy ra nhưng với quyết tâm của các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, bệnh nhân đã thoát chết và phục hồi kỳ diệu.

Thạc sĩ, Bác sĩ  Vũ Đình Kiên - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết: “Trước đây, đối với những trường hợp bệnh nhân nặng như trên sẽ buộc phải chuyển tuyến trên để được điều trị lọc máu liên tục. Với bệnh nhân Ph, nếu không được lọc máu liên tục thì nguy cơ tử vong rất cao . Phương pháp lọc máu liên tục giúp điều chỉnh các rối loạn nước, điện giải, thăng bằng toan kiềm và an toàn cho người bệnh có huyết động không ổn định”.

Từ khi triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao. Điều này cho thấy ưu việt của kỹ thuật lọc máu liên tục trong công tác cấp cứu, điều trị tích cực. Lọc máu liên tục được chỉ định khi bệnh nhân mắc một số bệnh lý như: Viêm tụy cấp mức độ nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy tim, nhiễm toan chuyển hóa, các ca bỏng nặng, đa chấn thương, suy đa phủ tạng…Hiện nay, khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và Khoa cấp cứu , Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam các y bác sĩ được đào tạo bài bản và thực hiện tốt kỹ thuật lọc máu liên tục. Việc triển khai thành công kĩ thuật cao này tại bệnh viện tuyến tỉnh có ý nghĩa lớn bởi có thể giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao mà không phải chuyển tuyến, mang lại cơ hội sống sót cho những bệnh nhân nặng.